Thị trường điện Việt Nam

  26-05-2021

Giới thiệu chung về thị trường điện Việt Nam

Kết quả của cải cách cơ cấu và xây dựng thị trường điện ở nhiều nước cho thấy đây là một tiến bộ của khoa học quản lý trong ngành kinh tế năng lượng. Thị trường điện tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp và là giải pháp hữu hiệu nhằm huy động vốn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh điện.


Thị trường điện đã và đang phát triển rộng rãi trên thế giới, thị trường điện không chỉ dừng lại ở phạm vi lãnh thổ của một quốc gia mà đã có những thị trường điện liên quốc gia, trao đổi mua bán điện giữa các nước trong một khu vực. Hiện nay có rất nhiều thị trường điện vận hành thành công tại Mỹ, Châu Âu… Các nước trong khu vực ASEAN như Singapore, Philipine, Thái Lan, Malaysia... đã có những bước đi tích cực trong việc xây dựng thị trường cạnh tranh của mỗi nước tiến tới việc hình thành thị trường điện khu vực ASEAN trong tương lai.


Tại Việt Nam, từ ngày 01/07/2005 thị trường điện nội bộ Tổng công ty Điện lực Việt Nam đã được hình thành với 8 nhà máy tham gia, tạo nền tảng cho các bước phát triển thị trường điện trong các giai đoạn tiếp theo. Ngày 26/01/2006 Thủ tướng chính phủ ký quyết định số 26/2006/QĐ-TTG phê duyệt lộ trình, các điều kiện hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam.


Mục đích hình thành thị trường điện Việt Nam:

  • Từng bước phát triển thị trường điện lực cạnh tranh một cách ổn định, xóa bỏ bao cấp trong ngành điện, tăng quyền lựa chọn nhà cung cấp điện cho khách hàng sử dụng điện;
  • Thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện lực, giảm dần đầu tư của Nhà nước cho ngành điện;
  • Tăng cường hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điện, giảm áp lực tăng giá điện;
  • Đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy và chất lượng ngày càng cao;
  • Đảm bảo phát triển ngành điện bền vững.


Lộ trình hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam:

(theo Quyết định 26/2006/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 26/01/2006)

Thị trường điện lực tại Việt Nam được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ:

  • Cấp độ 1 (2005 - 2014): thị trường phát điện cạnh tranh.
  • Cấp độ 2 (2015 - 2022): thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
  • Cấp độ 3 (từ sau 2022): thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Mỗi cấp độ được thực hiện theo hai bước: thí điểm và hoàn chỉnh, cụ thể như sau:

a) Bước 1 - cấp độ 1: thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm (từ năm 2005 đến năm 2008).
- Thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh giữa các nhà máy điện thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) để thí điểm cạnh tranh trong khâu phát điện theo mô hình một đơn vị mua duy nhất. Các nhà máy điện, các công ty truyền tải điện, các công ty phân phối điện thuộc EVN sẽ được tổ chức lại dưới dạng các công ty độc lập về hạch toán kinh doanh.
- Các công ty phát điện độc lập (IPP) không thuộc sở hữu của EVN tiếp tục bán điện cho EVN theo các hợp đồng mua bán điện dài hạn (PPA) đã được ký kết.
- Kết thúc bước thí điểm, các nhà máy điện lớn có vai trò quan trọng trong hệ thống điện hiện đang thuộc EVN phải được chuyển đổi thành các đơn vị phát điện độc lập IPP (Independent Power Producer) dưới dạng các công ty nhà nước độc lập; các nhà máy điện còn lại phải được chuyển đổi thành các đơn vị phát điện độc lập dưới dạng các công ty cổ phần để chuẩn bị cho thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh.
- Bộ Công nghiệp ban hành các quy định điều tiết các hoạt động của thị trường và hướng dẫn thực hiện.


b) Bước 2 - cấp độ 1: thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh (từ năm 2009 đến năm 2014).
- Thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh sau khi các điều kiện tiên quyết cho bước này đã được đáp ứng.
- Cho phép các nhà máy điện độc lập (IPP) không thuộc sở hữu của EVN tham gia chào giá để bắt đầu thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh (theo mô hình một người mua duy nhất); các đơn vị phát điện sẽ bán điện lên thị trường thông qua các hợp đồng PPA và chào giá cạnh tranh trên thị trường giao ngay với tỷ lệ điện năng mua bán theo hai hình thức của từng đơn vị do Cục Điều tiết điện lực quy định.


c) Bước 1 - cấp độ 2: thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm (từ năm 2015 đến năm 2016).
- Thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm khi các điều kiện tiên quyết cho cấp độ này đã được đáp ứng.
- Cho phép lựa chọn một số đơn vị phân phối và khách hàng lớn để hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm. Cho phép hình thành một số đơn vị bán buôn mới để tăng cường cạnh tranh trong khâu mua bán buôn điện. Các công ty truyền tải điện hiện tại được sáp nhập thành một công ty truyền tải điện quốc gia duy nhất trực thuộc EVN; các đơn vị phân phối, đơn vị vận hành hệ thống và đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện do EVN tiếp tục quản lý.


d) Bước 2 - cấp độ 2: thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh (từ năm 2017 đến năm 2022).
- Thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh khi các điều kiện tiên quyết cho bước này đã được đáp ứng.
- Cho phép các công ty phân phối điện hiện thuộc EVN được chuyển đổi thành các công ty độc lập (công ty nhà nước hoặc cổ phần) để mua điện trực tiếp từ các đơn vị phát điện và ngược lại, các đơn vị phát điện cũng cạnh tranh để bán điện cho các công ty này. Các đơn vị bán buôn cũng tham gia cạnh tranh để bán điện cho các đơn vị phân phối và các khách hàng lớn.


đ) Bước 1 - cấp độ 3: thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm (từ năm 2022 đến năm 2024).
- Thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm khi các điều kiện tiên quyết cho cấp độ này đã được đáp ứng.
- Cho phép lựa chọn một số khu vực lưới phân phối có quy mô thích hợp để triển khai thí điểm. Theo mức độ tiêu thụ điện do Cục Điều tiết điện lực quy định, các khách hàng được quyền lựa chọn nhà cung cấp điện cho mình (đơn vị bán lẻ điện). Chức năng kinh doanh bán lẻ điện của các công ty phân phối được lựa chọn thí điểm sẽ được tách khỏi chức năng quản lý và vận hành lưới phân phối; các đơn vị bán lẻ điện sẽ cạnh tranh để bán điện tới từng khách hàng sử dụng điện và cạnh tranh để mua điện từ các đơn vị bán buôn điện.


e) Bước 2 - cấp độ 3: thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh (từ năm 2024).
- Theo mức độ tiêu thụ điện do Cục Điều tiết điện lực quy định, các khách hàng sử dụng điện trên toàn quốc được quyền lựa chọn nhà cung cấp điện cho mình (đơn vị bán lẻ điện) hoặc trực tiếp mua điện từ thị trường.
- Các tổ chức, cá nhân đáp ứng các yêu cầu về hoạt động điện lực được phép thành lập mới các đơn vị bán lẻ điện để cạnh tranh trong khâu bán lẻ. Các đơn vị này được quyền mua điện từ các đơn vị phát điện hoặc từ thị trường để bán lẻ cho khách hàng sử dụng điện.

 

Ghi chú: Trên đây, chúng tôi xin giới thiệu sơ bộ về thị trường điện Việt Nam, nếu có thắc mắc hoặc cần trao đổi chi tiết hơn, quý vị có thể liên lạc theo địa chỉ sau:


Vietnam MW Co., Ltd
Địa chỉ : Tầng 10, tòa nhà C’land, 156 Xã Đàn 2, Đống Đa, Hà Nội
Email : nam@vmw.vn
Hotline : 0966.866.766
Web : www.vmw.vn

Bài viết liên quan

0966.866.766

 Copyrights Thiet Ke Website by ungdungviet.vn